Rèn luyện tư duy phản biện của tác giả Albert Rutherford là một cuốn sách đáng đọc để hình thành lối tư duy phân tích, một công cụ quan trọng để phát triển bản thân và trở nên thành công.
Giới thiệu sách
Tư duy phản biện hay là quá trình rèn luyện tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.
Như bạn có thể thấy, chìa khóa để trở thành một người có tư duy phản biện tốt chính là sự tự nhận thức. Bạn cần phải đánh giá trung thực những điều trước đây bạn nghĩ là đúng, cũng như quá trình suy nghĩ đã dẫn bạn tới những kết luận đó. Nếu bạn không có những lý lẽ hợp lý, hoặc nếu suy nghĩ của bạn bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm và cảm xúc, thì lúc đó hãy cân nhắc sử dụng tư duy phản biện!
Bạn cần phải nhận ra được rằng con người, kể từ khi sinh ra, rất giỏi việc đưa ra những lý do lý giải cho những suy nghĩ khiếm khuyết của mình. Nếu bạn đang có những kết luận sai lệch này thì có một sự thật là những đức tin của bạn thường mâu thuẫn với nhau và đó thường là kết quả của thiên kiến xác nhận, nhưng nếu bạn biết điều này, thì bạn đã tiến gần hơn tới sự thật rồi!
Những người tư duy phản biện cũng biết rằng họ cần thu thập những ý tưởng và đức tin của mọi người. Tư duy phản biện không thể tự nhiên mà có.
Những người khác có thể đưa ra những góc nhìn khác mà bạn có thể chưa bao giờ nghĩ tới, và họ có thể chỉ ra những lỗ hổng trong logic của bạn mà bạn đã hoàn toàn bỏ qua. Bạn không cần phải hoàn toàn đồng ý với ý kiến của những người khác, bởi vì điều này cũng có thể dẫn tới những vấn đề liên quan đến thiên kiến, nhưng một cuộc thảo luận phản biện là một bài tập tư duy cực kỳ hiệu quả.
Việc lắng nghe những ý kiến của người khác cũng có thể giúp bạn nhận ra rằng phạm vi tri thức của bạn không phải là vô hạn. Không ai có thể biết hết tất cả mọi thứ. Nhưng với việc chia sẻ và đánh giá phê bình kiến thức, chúng ta có thể mở rộng tâm trí. Nếu điều này khiến bạn cảm thấy không thoải mái, không sao cả.
Trên thực tế, bước ra ngoài vùng an toàn là một điều quan trọng để mở rộng niềm tin và suy nghĩ của bạn. Tư duy phản biện không phải là chỉ biết vài thứ, và chắc chắn không phải việc xác nhận những điều bạn đã biết. Thay vào đó, nó xoay quanh việc tìm kiếm sự thật – và biến chúng trở thành thứ bạn biết.
Review Rèn luyện từ duy phản biện
Thông qua cuốn sách, mình được dẫn dắt và phân tích những vấn đề mà trước nay mình cứ ngỡ nó là hiển nhiên. Mình cũng biết thêm được rằng, có những loại trí nhớ nào (ngắn hạn, dài hạn), hay như não có những chức năng thực sự là gì?
Chủ đề này thực sự rất hay, nếu có thời gian mình sẽ phân tích sâu hơn về những vấn đề mình đã gặp, từ đó vận dụng lý thuyết về khoa học thần kinh vào giải thích, biện luận cho các vấn đề mình vẫn thắc mắc.
Quả đúng như vậy, đôi khi Não chúng ta tự tạo ra các ký ức. Cụ thể là não mình tự tạo ra nhiều ký ức tới mức đôi khi mình không biết ký ức nào thực sự đúng, thực sự đã xảy ra.
Cuốn sách cũng chỉ ra rằng, nếu hai người cùng nói 1 câu chuyện thì kể cả ngay sau đó yêu cầu được kể lại thì mỗi người đều sẽ nói câu chuyện theo hướng khác nhau. Các hướng của câu chuyện sẽ được phát sinh, phát triển dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết, cảm tính, thiên kiến của người nói.
Một ví dụ dẫn dắt cũng rất thực tiễn là tại sao các cơ quan công an, điều tra như FBI lại đặt câu hỏi mang tính gợi mở hơn là câu hỏi Yes, No? Bởi vì nếu yes, no có nghĩa là đã đưa ra lối để não người cứ đưa thiên kiến vào đó. Chỉ đơn giản là không nên gieo rắc vào tâm tư của người bị thẩm vấn những thứ không cần thiết vì sẽ khiến não của họ đưa ra những phán đoán sai lầm và đưa ra câu trả lời sai so với thực tế.
Sách hay khuyên đọc:
Ngược lại, đôi khi chính các luật sư lại hay hỏi các câu có tính chất gieo rắc như vậy chỉ bởi vì họ muốn lèo lái câu trả lời của bị can/bị cáo theo đúng ý họ. Nghe thật sự ma thuật, chỉ có điều cuốn sách hơi ngắn và nó phân tích cũng không sâu đoạn này nên cảm giác hơi cụt lủn chút xíu.
Cuốn sách khá hay, mạch lạc và logic, tuy nhiên có vài đoạn cực kỳ đáng ghét đó chính là lỗi chính tả và lỗi sai đến khó chịu là sự kiện 11/9. Vâng, toàn bộ sự kiện 11/9 được nhắc tới rất nhiều nhưng không hiểu người dịch bị vấn đề gì mà toàn dịch là sự kiện 9/11. Ngoài những lỗi sai đó và vài chỗ hơi lý thuyết suông, diễn đạt có tý khó hiểu thì toàn bộ cuốn sách cũng ổn, đáng tiền và đáng đọc. (Hoa Possible)