Đường Xưa Mây Trắng là một câu chuyện vô cùng lý thú về cuộc đời của Bụt được kể lại dưới ngòi bút hùng hồn đầy chất thơ của tác giả.
Với văn phong nhẹ nhàng giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thỉ cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi. Đọc Đường Xưa Mây Trắng – Theo Gót Chân Bụt cho chúng ta cảm tưởng như đang đọc một thiên tình sử, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng.
Sách Đường Xưa Mây Trắng đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20.
“Suốt đời, Đức Phật đã đi nhưng Người chỉ đi mà không cần đến. Cho nên Người đi thong thả, mỗi bước chân đưa Người đến với giây phút của hiện tại. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây”.
Giới thiệu tác giả Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.
Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Một số tác phẩm của ông: Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng – Nẻo về của ý – Am mây ngủ – Văn Lang dị sử – Đường xưa mây trắng – Truyện Kiều văn xuôi – Thả một bè lau – Bông hồng cài áo – Đạo Phật ngày nay – Nói với tuổi hai mươi – Trái tim của Bụt…
Nội dung tác phẩm
Tôi đã viết những chương của Đường Xưa Mây Trắng với rất nhiều hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với Đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết, mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá.
Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ ba anh em ông Ca Diếp. Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy.
Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chãi là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công.
Cái chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Mình đã thành Phật rồi, mình đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình mình vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của em. Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công.
Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được.
Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả, giúp cho người ta khám phá lại Bụt như một con người và lột ra hết các vòng hào quang thần dị người ta đã choàng lên cho Bụt. Không thấy Bụt như một con người thì người ta sẽ tới với Bụt rất khó.
Review sách Đường Xưa Mây Trắng
Về nội dung: mình đã nghe audio trước rồi, nên mới quyết định mua để đọc và ngẫm. Lời văn của Sư ông làng mai mình phải gọi là cực kỳ thích! Bạn nào muốn tìm hiểu về cuộc đời của Đức Phật thì có thể đọc/nghe audio “Đường xưa mây trắng” lời văn nhẹ nhàng, những chi tiết rất gần gũi, chân thật. Hình dung Đức Phật cũng như chính ta, rất mộc mạc, nhẹ nhàng trên con đường giác ngộ. (Trần Nho)
Con chưa từng được đọc một tác phẩm nào viết về cuộc đời Đức Phật và những giáo lý căn bản của Người mà lại dùng những ngôn từ bình dị, mộc mạc nhưng rất đỗi sâu sắc, dễ hiểu và thấm nhuần vào trái tim con như thế. Cuộc đời của Người, một bậc Toàn giác, một bậc Tỉnh thức được hiện lên một cách gần gũi, dung dị và đầy ý nghĩa.
Con thấy được bối cảnh lịch sử của Ấn Độ thời đó hiện lên một cách chân thực và sống động mặc dù đã qua đi hơn 2500 năm. Theo gót chân Bụt (Thầy hay dùng danh từ Bụt thay thế cho Phật để nói về một bậc Tỉnh thức) con như thấy được chính mình trong đó, đang được đi cùng Ngài du hóa qua từng trang sách, đang được ngồi nghe pháp thoại với Tăng đoàn Khất sĩ dưới cội cây Bồ đề và thấy được toàn bộ cốt tủy của giáo lý đạo Phật được thể hiện nhẹ nhàng, sâu sắc, uyển chyển và linh hoạt qua từng chương. (Phật Tử)