Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can của Đặng Hoàng Giang là tuyển tập bao gồm 26 bài viết ngắn chia làm 3 chủ đề: Cái tôi cá nhân trong xã hội hiện đại; Các vấn đề phát triển như môi trường, công lý và phân biệt giàu nghèo; Thực trạng văn hóa – xã hội đương đại.
Giới thiệu tác giả Đặng Hoàng Giang
Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức), bảo vệ tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Anh trở về Việt Nam sau 20 năm sống và làm việc ở châu Âu.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý và tương quan quyền lực trong xã hội.
Nội dung cuốn sách
Bắt đầu bằng hình ảnh cuộc thi marathon, khi ai ai cũng tung hô người chạm qua vạch đích đầu tiên, thì tác giả chỉ chú ý những con người cắn răng lê bước tiếp để chạy hết quãng đường thi dẫu người chiến thắng đã được xác định. Họ không từ bỏ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ.
Họ tiếp tục chỉ vì “bỏ cuộc” không phải là lựa chọn của họ.
Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót giống câu chuyện của cô bé Ruby bang New Orleans (Mỹ) vào cuối những năm 1950, trong hoàn cảnh chính quyền ra quyết định xóa bỏ phân biệt chủng tộc, Ruby là học sinh da đen đầu tiên và duy nhất của trường vào năm đó. Ruby lúc ấy 6 tuổi, là bé con lớp 1. Suốt một năm sau đó, Ruby lủi thủi một mình, không có bạn chơi, chịu sự căm thù, giận dữ, gào thét, chửi rủa của đám đông da trắng, chỉ có cô giáo trẻ Barbara Henry đối xử với em bình thường, cô dạy em trong lớp học một thầy một trò. Gia đình Ruby gặp vô vàn khó khăn vì quyết định này. Nhưng, họ không từ bỏ. Họ không chuyển con gái họ đến một ngôi trường khác nơi các bạn da đen đang học với nhau.
Họ tiếp tục chỉ vì “như cũ” không phải là điều họ muốn.
Con người có xu hướng bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, rồi rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. Nếu bản thân mỗi người tự nhận thức, tự lựa chọn và cố gắng vì lựa chọn đó, như những người lê lết cuối đoàn marathon, như gia đình em Ruby, thì kết quả được tạo ra từ chính nổ lực của bản thân chứ không phải chờ đợi, nhòm ngó người khác nữa. Năm Ruby lên lớp 2, em được hòa nhập, trường bắt đầu chào đón những học sinh da đen khác. Những kẻ dù không chiến thắng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành hết đường đua của mình, đó là những người đã chiến thắng chính cuộc chơi của bản thân.
Đây mới là những nhân tố cốt yếu tạo nên sự thay đổi dần dần tốt đẹp của xã hội.
Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can còn đề cập đến tâm lý đám đông và sự vận hành của nó, cũng chính là nguyên nhân sự thật đằng sau sự cuồng nộ đập phá quá khích của những người công nhân mà thường ngày vẫn hiền lành, chăm chỉ.
Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Một là, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh, và cái vô danh đó đem lại cho mỗi người một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ. Hai là, đám đông gây phấn khích. Ba là, đám đông đem lại cho các cá nhân trong nó cảm giác về quyền lực. Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đó, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.
Những đám đông “mới” ngày nay, như vụ công nhân xây dựng Thái Nguyên xô xát ở nhà máy Samsung, người dân Đồng Nai “hôi bia”, thanh niên Nghệ An “đánh hôi” kẻ trộm chó, hay là hình ảnh xấu xí gần đây nhất là đầu năm 2019, người dân Hà Nội đổ xô “hôi hoa” trước khách sạn JW Marriott khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 vừa kết thúc… Là những đám đông nổi lên không quan điểm xã hội hay mục đích chính trị, họ phá phách một cách vô phương hướng và vô nghĩa. Họ không hề giống như những đám đông “cũ” năm 1945 – những con người ấy được vận động tham gia cách mạng, được phổ biến để xây dựng một ý thức hệ vững chắc vì nước vì dân.
Trong Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can, tác giả đã hoàn thành tốt vai trò của một nhà phê bình xã hội, và còn hơn thế nữa, là một nhà hoạt động xã hội đang xây dựng văn hóa tranh luận. Những phân tích của anh là sự kết hợp của tri thức uyên bác, luận cứ trùng trùng và một cái nhìn trực diện, đánh thẳng vào vấn đề.
Điều đặc biệt là anh thường dùng nghệ thuật viết ngược để đá xoáy các vấn đề, tạo nên các cuộc tranh luận mà tại đó, nếu mỗi người có thể mang tâm cầu thị để đưa ra ý kiến cá nhân, đồng thời tôn trọng người phát ngôn để phản biện, thì hướng giải quyết các nan đề của xã hội sẽ sáng hơn, tối ưu hơn.
Lẽ dĩ nhiên là tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã thành công, cuốn sách thật sự gây ra nhiều tranh cãi.
Review sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can
Cách viết lạ quá. Lạ nhưng lại rất hay. Cái hay nằm ở việc tác giả luận những bài phê bình xh theo hướng học thuật. Phân tích từng khía cạnh xh với chiều sâu của kiến thức và khoa học. Tuy vậy lại ko khô khan mà cho chúng ta nhiều suy nghĩ và trăn trở. Quả thật, ẩn dưới từng lớp chữ là những dụ ý để ta đọc mà nhìn sâu hơn, ngẫm nhiều hơn, chứ ko đơn thuần là mặt con chữ đọc lên là thấy ngay đc ý nghĩa.
Qua đó, tôi nhận thấy sự nghiêm túc nhìn nhận của ông qua từng vấn đề. Cũng thấy đc tính nhân văn ‘lạnh lùng’ của ông qua từng câu chuyện, như nhà báo Đinh Đức Hoàng đã viết trong bài viết cuối, ‘chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm’. Tuy có một số bài viết tôi hơi mâu thuẫn với cách nhìn của tác giả như sự khốn cùng của tư duy triệu phú, những ‘hiểm hoạ’ bất ngờ khi gửi con đi du học..(theo ý tôi, tác giả có phần hơi khắt khe) nhưng vấn đề cũng chỉ là quan điểm mà thôi.
Mỗi người sẽ lựa chọn 1 cách nhìn khác nhau. Ko quan trọng ai đúng ai sai, chẳng có đúng sai ở đây mà đơn giản chỉ là sự khác biệt. Cách nhìn độc đáo của mỗi người là bài học khác cho người còn lại để họ có cái nhìn đa chiều hơn với trái tim rộng mở hơn. (Đức Khải)