Dám Bị Ghét là một cuốn sách self – help đặc biệt nhất trong các cuốn self – help. Thông qua cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và nhà triết gia để gửi gắm những thông điệp sống, quan niệm sống, những triết lý nhân sinh đối với người đọc.
Nội dung cuốn sách Dám Bị Ghét
Các bạn thường than vãn về các mối quan hệ làm các bạn trở nên mệt mỏi. Người ngoài thì thấy các bạn nhạt nhẽo và vô nghĩa. Bản thân các bạn thì thấy bản thân mình kém cỏi so với mọi người. Quá khứ của bạn cũng chẳng mấy tốt đẹp, đầy những điều buồn đau và nhìn về một tương lai không mấy tươi sáng.
Bạn lại sống trong một môi trường đòi hỏi những yêu cầu đầy khắc nghiệt và thậm chí những quy chuẩn hết sức phi lý. Bạn trở nên bế tắc bởi các thứ bao quanh và càng tồi tệ khi phải sống theo khuôn mẫu của người khác. Và cách giải thoát cho bạn là bạn dám sống với cá tính, với nhu cầu của mình. Và Dám bị ghét của hai tác giả Nhật Bản Kishimi Ichiro và Koga Fumitake sẽ là cánh cửa giúp bạn giải quyết những vấn đề trên.
Cuốn self- help mang hình bóng của một tác phẩm văn học kinh điển
Khi nhìn tên sách và trang bìa của Dám Bị Ghét thì đích thực đây là một cuốn self – help. Nhưng điểm bất ngờ là khi mở những trang đầu tiên, đọc những câu mở đầu chúng ta lại nghĩ rằng đây là một tác phẩm văn học kinh điển. Đó là một cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và người Triết gia.
Tất cả đều có cốt truyện, có nhân vật và sự việc, nó không hề giống những cuốn self – help khác mà các bạn đã từng đọc. Cuốn sách được trình bày một cách sinh động, cuốn hút và văn phong cũng vô cùng mới mẻ, hấp dẫn, đem lại sự cuốn hút, không hề nhàm chán đối với người đọc.
Cậu bất hạnh bởi cậu tự chọn lấy bất hạnh
Nhiều người luôn than rằng tại sao tôi lại bất hạnh như thế này? Nhưng cuộc sống này là của bạn, là do bạn điều khiển. Chỉ là bạn có biết tận dụng và tận hưởng nó hay không mà thôi. Chả ai đem đến bất hạnh cho bạn cả vì làm gì có ai sống cuộc sống của bạn, làm gì có ai lựa chọn cách sống thay bạn. Bạn bất hạnh là do chính bản thân bạn tự lựa chọn lấy.
Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, cậu đã chọn “bất hạnh”. Đó không phải là cậu sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh hay rơi vào tình cảnh bất hạnh, mà vì cậu đã cho rằng đối với bản thân mình “bất hạnh” là một dạng “thiện”.
Những câu nói của nhà Triết gia giải đáp những câu hỏi của chàng thanh niên khiến chúng ta có những cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, nhìn bao dung hơn về cuộc đời, đơn giản cách nhìn nhận và cảm nhận.
Cuộc đời cậu được quyết định “ngay tại đây, vào lúc này”
Nhà triết gia đã giảng giải cho chàng thanh niên rất nhiều điều triết lý liên quan đến tâm lý học Adler. Đặc biệt là vấn đề thay đổi lối sống. Nhà triết gia nói rằng cậu không thể thay đổi bản thân vì cậu quyết tâm không thay đổi. Và cách để thay đổi lối sống chính là quyết tâm từ bỏ lối sống hiện nay. Hơn thế nữa, nhà Triết gia còn nói về các cái cớ để không từ bỏ lối sống hiện tại, những triết lý không hề sáo rỗng như đem lại những nhận thức mới mẻ hơn cho chính chàng thanh niên.
Dự thi trượt thì cũng phải làm. Như có thể sẽ trưởng thành hơn hoặc có thể sẽ hiểu ra rằng mình cần phải đi theo con đường khác. Dù thế nào cũng có thể tiến lên phía trước. Thay đổi lối sống hiện tại chính là như vậy đó. Nếu cứ mãi không gửi bản thảo dự thi, sẽ chẳng tiến lên được… Cậu không cho rằng cứ đưa đủ các “lý do không thể làm được” để đáp lại một vấn đề đơn giản – một việc cần phải làm là một cách sống khổ sở sao?…
Nhà triết gia còn cho rằng, cuộc đời của chàng thanh niên được quyết định ở chính thời điểm này, chứ không phải là những gì diễn ra ở trong quá khứ, không phải những gì đã xảy ra trước kia. Dù quá khứ có tối tăm đến mức nào chả ảnh hưởng gì đến tương lai cả.
Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người
Chàng thanh niên hỏi nhà Triết gia rằng “Để xóa tan phiền muộn thì chỉ có cách sống một mình trong vũ trụ” nghĩa là sao, chẳng phải nếu chỉ sống một mình sẽ lại bị cảm giác cô độc làm cho phiền muộn hay sao? Và nhà triết gia đáp lại rằng cậu cô độc không phải vì cậu có một mình.
Và theo nhà triết gia nói về Adler cho rằng mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người. Vì những phiền muộn nội tâm không hề tồn tại mà trong bất cứ muộn phiền nào đều mang bóng dáng của người khác. Những muộn phiền này được Adler cho rằng, nếu như thế giới chỉ có chính mình, không có xuất hiện người khác, thì sự phiền muộn cũng sẽ tan biến.
Cô độc không phải vì chỉ có một mình. Cậu cảm thấy mình bị tách biệt, xa lánh khỏi những người xung quanh, khỏi xã hội, cộng đồng, đó mới gọi là cô độc. Chúng ta cần người khác để cảm thấy cô độc. Nghĩa là con người chỉ trở thành “cá nhân” khi đặt vào các mối quan hệ xã hội mà thôi.
Tự do thực sự là gì?
Chúng ta nói chúng ta muốn một cuộc sống tự do nhưng bản chất của tự do là gì, thực sự tự do là gì thì lại rất ít người biết. Theo như nhà triết gia tự do thực sự là đẩy bản thân lăn ngược lên dốc. Hay cụ thể hơn là tự do là bị người khác ghét. Chắc hẳn chúng chả muốn ai ghét mình cả. Chúng ta đều muốn ai cũng sẽ hòa hợp với mình.
Nhưng để sống mà không một ai ghét là một cách rất mất tự do. Chúng ta phải xoay sở bản thân chúng ta theo người nọ, theo người kia. Nhiều khi chúng ta cảm thấy thật mệt mỏi khi phải xoay sở như vậy. Nếu muốn được tự do tức là ta không phải xoay sở theo ai cả nghĩa là bị người khác ghét. Cái giá này là cái giá khá đắt chúng ta phải trả để tìm được sự tự do.
Hi vọng cuốn sách cũng là chìa khóa để mở ra cánh cửa cho những bạn sống thiếu sự “can đảm” và sẽ tìm ra mục đích sống, cách sống và đúng như cái tên dám bị ghét để sống thực sự với chính mình.