“Hoàng Tử Bé là một câu chuyện tự nó đã rất đáng yêu, ẩn giấu một triết lý quá đỗi nhẹ nhàng và thi vị.” (The New York Times)
Hoàng tử bé được viết ở New York trong những ngày tác giả sống lưu vong và được xuất bản lần đầu tiên tại New York vào năm 1943, rồi đến năm 1946 mới được xuất bản tại Pháp.
Không nghi ngờ gì, đây là tác phẩm nổi tiếng nhất, được đọc nhiều nhất và cũng được yêu mến nhất của Saint-Exupéry. Cuốn sách được bình chọn là tác phẩm hay nhất thế kỉ 20 ở Pháp, đồng thời cũng là cuốn sách Pháp được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới.
Với 250 ngôn ngữ dịch khác nhau kể cả phương ngữ cùng hơn 200 triệu bản in trên toàn thế giới, Hoàng tử bé được xem là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhân loại.
Sách hay khuyên đọc:
Ở Việt Nam, Hoàng tử bé được dịch và xuất bản khá sớm. Từ năm 1966 đã có đồng thời hai bản dịch: Hoàng tử bé của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và Cậu hoàng con của Trần Thiện Đạo do Khai Trí xuất bản. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều bản dịch Hoàng tử bé mới của các dịch giả khác nhau.
Trích dẫn “Hoàng tử bé”
“Tôi cứ sống cô độc như vậy, chẳng có một ai để chuyện trò thật sự, cho tới một lần gặp nạn ở sa mạc Sahara cách đây sáu năm. Có thứ gì đó bị vỡ trong động cơ máy bay. Và vì ở bên cạnh chẳng có thợ máy cũng như hành khách nào nên một mình tôi sẽ phải cố mà sửa cho bằng được vụ hỏng hóc nan giải này. Với tôi đó thật là một việc sống còn. Tôi chỉ có vừa đủ nước để uống trong tám ngày.
Thế là đêm đầu tiên tôi ngủ trên cát, cách mọi chốn có người ở cả nghìn dặm xa. Tôi cô đơn hơn cả một kẻ đắm tàu sống sót trên bè giữa đại dương. Thế nên các bạn cứ tưởng tượng tôi đã ngạc nhiên làm sao, khi ánh ngày vừa rạng, thì một giọng nói nhỏ nhẹ lạ lùng đã đánh thức tôi. Giọng ấy nói:
“Ông làm ơn… vẽ cho tôi một con cừu!”
(Trích “Hoàng tử bé”)
Review tác phẩm Hoàng Tử Bé
Khi lật từng trang sách “Hoàng tử bé”, tôi thấy được một sự khác biệt to lớn giữa người lớn và trẻ con. Chẳng trách tại sao, Hoàng tử bé luôn cảm thấy “người lớn thật kỳ lạ” khi em tiếp xúc với họ.
Cuốn sách đánh thức sự vô tư của chúng ta – những người lớn với suy nghĩ kỳ cục và phức tạp, nuôi dưỡng đứa trẻ trong chúng ta mà một số người đã đánh mất từ lâu. Em – một chàng hoàng tử đến từ tiểu hành tinh B612 với một trái tim nhân hậu, ấm áp, sự ngây thơ của trẻ con theo đúng nghĩa.
Mà suy nghĩ của trẻ con thì đơn giản lắm, luôn trong sáng và hồn nhiên, bày tỏ trực tiếp thái độ của mình với mọi sự vật nhìn thấy trên đời: yêu, ghét; không như người lớn, yêu đôi khi là ghét mà ghét đôi khi lại là yêu.
Trên cái hành tinh nhỏ bé của mình, em sở hữu một bông hồng, khi em đến hành tinh khác to lớn hơn, em thấy trong cuộc sống này không chỉ có một bông hồng mà hàng ngàn bông hồng khác giống hệt bông hồng của em, em bật khóc, em thấy thương cho bông hồng của mình và nhận ra mình chẳng phải chàng hoàng tử nào hết.
Song, cuối cùng em cũng hiểu ra rằng bông hồng của mình đúng thật là duy nhất ” người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim, con mắt thường luôn mù loà trước điều cốt tử”. Cuốn sách tưởng chừng viết cho trẻ em nhưng đọc xong, chúng ta mới thấy càng lớn, chúng ta đọc “Hoàng tử bé” càng ngẫm được nhiều điều.
Một cuốn sách phù hợp cho mọi lứa tuổi, trẻ em đọc để nuôi dưỡng tâm hồn, người lớn đọc để hiểu, cảm nhận các triết lý chất chứa trong từng câu chữ. Cách xây dựng nhân vật của tác giả cũng thật độc đáo.
Mỗi một nhân vật Hoàng tử bé gặp lại đại diện cho một kiểu người, người theo đuổi địa vị như nhà vua; theo đuổi vinh quanh như ông khoác lác; chìm đắm trong cái vòng luẩn quẩn của thói quen xấu do chính mình tạo ra và tìm lý do như gã nát rượu; theo đuổi tiền tài, giàu sang như ông tư sản; trách nhiệm như người thắp đèn và khao khát nhưng phụ thuộc, dập khuôn như nhà địa lý.
Kết lại, đây là một cuốn sách đáng để chúng ta đọc và ngẫm nghĩ. Không chỉ đọc một lần mà hãy đọc nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, lứa tuổi khác nhau, chúng ta sẽ nhận thấy cái nhìn của chúng ta thật khác so với trước đó, càng đọc thì càng hiểu được nhiều điều sâu sắc hơn. (NK)