Đừng Chạy Theo Số Đông không phải cuốn sách xúi bạn trở thành người kiêu ngạo cực đoan xa lánh số đông. Nó là cuốn sách nói lên sự cực đoan kiêu ngạo của số đông và phơi bày hệ thống tư duy công nghiệp và biến bạn trở thành một “số ít” bình thường, hiện đại nhưng khiêm nhường.
Nội dung cuốn sách
Trong kinh Kamala, Đức Phật có dạy một quan điểm rất hay:
“Các con đừng tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; đừng tin chỉ vì đó là truyền thống; đừng tin chỉ vì đó là lời đồn đại; đừng tin chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở; đừng tin chỉ vì điều đó nghe hợp lý; đừng tin bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; đừng tin chỉ vì theo lý luận và suy diễn; đừng tin chỉ vì điều đó phù hợp với định kiến, lập trường của mình; đừng tin chỉ vì người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; đừng tin chỉ vì người đó là thầy hay các bậc trưởng thượng của mình.”
Chân lý vốn dĩ không thuộc về số đông, và chân lý không phải lấy số đông làm tiêu chuẩn. Đứng trước mọi sự việc ở đời thì chúng ta cần phải có chủ kiến của bản thân chứ đừng nên mù quáng tin và nghe theo người khác, dù người nói là ai, có sức ảnh hưởng đến ta như thế nào.
Nói sâu về bản chất, chủ kiến chính là năng lực tư duy biện luận, tức khả năng nhận biết lập luận là gì, phân tích những thành phần của lập luận và xác định những lỗi ngụy biện trong các lập luận nghe có vẻ rất thuyết phục. Từ đó, bạn sẽ đánh giá tính hợp logic và tính đúng đắn của các thông tin mình tiếp nhận cũng như tự phát triển những lập luận tốt, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định của bản thân.
Về bản chất, số đông cũng chỉ là nạn nhân.
Phần lớn mục đích sống và thói quen của bạn không do bạn quyết định. Số đông quyết định hộ bạn mà bạn không nhận ra. Họ “dạy” bạn. Họ “khuyên” bạn. Những lời khuyên và răn dạy có lúc thể hiện qua lời nói và văn bản trực tiếp rõ ràng.
Nhưng phần lớn nó hàm ý và không rõ ràng. Họ có thể không khuyên bạn trực tiếp. Mà đơn giản hàng triệu người làm theo một thứ hoặc đi theo một con đường nên “chắc chắn nó phải đúng”. Nếu không đúng tại sao cả xã hội lại làm vậy? Thậm chí “cả Tây cũng làm vậy”?
Bạn làm theo một cách vô thức. Có một sức hút vô hình từ xã hội, số đông khiến bạn mất kiểm soát nhưng vẫn nghĩ mình đang kiểm soát. “Nó” hút bạn theo con đường mà “nó” chọn cho bạn. “Nó” âm thầm thuyết phục bạn đó là “đam mê” thật sự của bạn. “Mục đích sống” thực sự của bạn. Hoặc nếu không, nếu bạn cưỡng lại, nghi ngờ, “nó” thuyết phục bạn hãy “kiên trì” theo nó. Hứa hẹn với bạn một tương lai tốt đẹp màu hồng vào một ngày nào đó.
Giống như sức hút của nam châm. Không màu không mùi không vị. Bạn không nhìn được nó. Không nghe thấy nó. Không ngửi thấy nó. Không sờ thấy nó. Nhưng nó hút. Và hút mạnh. Dù bạn không nhìn thấy.
Số đông (quần thể) mà chúng ta đang sống là một cục nam châm khổng lồ. Có những “quy luật ngầm” chúng ta tự hiểu với nhau. Bất thành văn. Chúng ta làm theo mà không suy nghĩ, không đánh giá, không chút nghi ngờ. Để thành công bạn phải học thật giỏi. Tham gia các hoạt động ngoại khóa. Học hết hàng thập kỷ, càng nhiều bằng cấp chứng chỉ càng tốt, sau đó xin việc. Nếu may mắn và được ban ơn bạn sẽ có một công việc dài hạn tại một công ty lớn với mức lương cao.
Review sách Đừng Chạy Theo Số Đông
Em viết sách cực kỳ chất lượng. Cuốn nào cũng có góc nhìn khác biệt với số đông. Giá quá rẻ cho nội dung của nó. Sự thật ở mọi góc tầng của xã hội công nghiệp được bóc ra 1 cách trần trụi nhất có thể. Giúp khai phóng tư duy con người. Em giúp mọi người tìm ra mục đích sống, biết cách tiêu tiền hợp lý, và quan trọng hơn cả là biết phải làm gì để tăng thu nhập, sống cuộc đời trọn vẹn và có ý nghĩa nhất. Anh thích nhất phần Từ vựng. Nó giống như bản tóm tắt nội dung của cuốn sách. Chân thành cám ơn em! (Võ Sỹ Nhật)
Năm nay mình đã hứa với bản thân là đọc những thể loại khác selfhelp. Nhưng mà mỗi khi anh Kiên Trần ra sách là phải mua và đọc liền, đúng là sách của a Kiên Trần chưa bao giờ làm mình thất vọng. Mình đọc Đừng Chạy Theo Số Đông đúng vào lúc vừa kết thúc cuộc đời làm kiến để tự xây dựng trang trại của mình (ai đọc xong sách sẽ hiểu). Cho nên không gì bằng đúng thời điểm, mình có nhiều tư duy khá giống a Kiên nên khi đọc cuốn này, những điểm mờ trong đầu mình như được khai sáng vậy.
Sách anh Kiên rất dễ đọc, luận điểm rõ ràng. Ngay ở trên bìa sách, tên ảnh cũng không viết hoa, đúng là cũng không giống số đông rồi. Mình nghĩ, ai cũng nên đọc, càng sớm càng tốt. Thoát được kiếp kiến càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đó là đối với những con kiến dành quá nhiều thời gian tưới cây cho nông trại của người khác. Còn với những ai cảm thấy hạnh phúc, ý nghĩa, vui vẻ thì ổn, tốt, không sao. Quan trọng không phải bạn có đang là kiến không, mà bạn có muốn là kiến không. Vậy thôi. À mình recommend tất cả những cuốn sách đồng tác giả, rất nên đọc. (Ngọc Thuý)